Khi bị dừng xe, người dân yêu cầu CSGT đưa ra bằng chứng vi phạm mới xuất trình giấy tờ là đúng hay sai?
Người dân có quyền ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm khi xử phạt.
Sự việc một tài xế không chịu xuất trình các giấy tờ theo quy định khi bị CSGT Quảng Bình dừng xe kiểm tra, đồng thời yêu cầu tổ tuần tra phải cung cấp hình ảnh vi phạm, cung cấp kế hoạch tuần tra; sau đó tài xế này còn quay clip ghi lại hình ảnh quá trình xử lý của CSGT, hiện đang thu hút sự quan tâm trên một số diễn đàn mạng xã hội. Clip này sau khi được chủ nhân chia sẻ cũng đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Hoàng Kim Thoa, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV QTC (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích:
Theo quy định tại điểm đ khoản 1, điểm d khoản 2 điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong mọi trường hợp người dân đều có quyền yêu cầu người xử phạt chứng minh rằng mình đã có hành vi vi phạm hành chính như sau: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.
Do đó khi bạn bị dừng xe mà cho rằng việc đưa ra lỗi là không chính xác thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu CSGT chứng minh về lỗi của mình.
Tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ có quy định như sau:
Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông thông qua các phương tiện thiết bị giao thông nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
Khi đó việc chứng minh này có thể thông qua các bằng chứng cụ thể như: ảnh chụp, video…Vì thế, CSGT phải áp dụng các biện pháp kĩ thuật như camera, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ và sử dụng nó làm chứng cứ để lập biên bản để xử phạt vi phạm.
Nếu CSGT không chứng minh được vi phạm thì không có quyền xử phạt bạn trong trường hợp đó. Một số trường hợp nếu không chứng minh được vi phạm mà vẫn cố tình xử phạt thì sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bạn có quyền khiếu nại theo quy định.
Tuy nhiên, việc tài xế không chịu xuất trình giấy tờ khi CSGT yêu cầu là sai. Bởi lẽ, điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định: CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Nói cách khác, CSGT được quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, còn khi xử phạt thì người điều khiển phương tiện được quyền yêu cầu CSGT đưa ra bằng chứng chứng minh vi phạm.
Về việc ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, đến nay, chưa có văn bản pháp luật mới nào được ban hành để hạn chế hay cấm người dân quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ. Bởi vậy, mọi người dân đều được quyền quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ.
Theo đó, người dân được quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tiết giao thông nhưng không được yêu cầu CSGT xuất trình lịch công tác, kế hoạch tuần tra.