Chấp hành Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ chính mình

Thời gian qua, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Các cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp xử lý nhưng các trường hợp vi phạm vẫn còn rất cao, chủ yếu tập trung vào các lỗi vi phạm như: điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn vượt mức quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn tuyến... Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2017 đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 91 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ làm chết 69 người, bị thương 46 người.

Từ xe mô tô
“Đã uống rượu, bia thì không lái xe” là câu khẩu hiệu mà mọi người đều hiểu và thuộc nằm lòng, nhưng trên thực tế tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia vẫn không giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2017, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý gần 4 ngàn trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm về lỗi này, chiếm gần 30% tổng số lỗi vi phạm. Thực tế cho thấy, lái xe vi phạm về nồng độ cồn nằm trong nhóm nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Bởi vì người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia thì phản xạ không còn nhanh nhạy và thiếu chính xác, không làm chủ được hành vi của bản thân, do đó dễ kéo theo hàng loạt các hành vi nguy hiểm khác như: chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi sai phần đường, làn đường... Mặc dù nguy hiểm là vậy nhưng rất nhiều người khi đã uống rượu, bia với nồng độ cồn vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép vẫn cố chấp không chịu thừa nhận mình đã say, cứ cho rằng mình vẫn còn đủ khả năng điều khiển phương tiện, vô tư chạy xe băng băng trên đường, bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý, họ đã viện đủ các lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình.
Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào rạng sáng 5-1-2017 trên đường Đồng Văn Cống, ở Khu phố 3, Phường 7, TP. Bến Tre. Sau khi nhậu cùng nhóm bạn, mặc dù đã say, không còn đủ tỉnh táo để chạy xe, nhưng anh Ngô Tấn Tài vẫn liều lĩnh chạy xe mô tô chở anh Dương Văn Triều, cả hai cùng ngụ xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm về nhà; khi đến khu vực trên do không làm chủ được tay lái nên anh Tài đã tông xe vào trụ điện bên đường làm cả hai tử vong.
Đến xe ô tô, xe tải
Hiện nay, tình trạng xe khách, xe tải phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn tuyến cũng đang là vấn đề bức xúc. Như tại hai tuyến quốc lộ 57 và quốc lộ 60, hằng ngày có một lượng lớn xe ô tô, xe tải lưu thông qua đây, trong khi đó lòng đường lại hẹp chưa được nâng cấp, nới rộng, chưa có dải phân cách cố định nên các tài xế chạy xe rất tùy tiện, cố tình giành đường, lấn tuyến, chèn ép các phương tiện khác, bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông. Không chỉ riêng tại các tuyến quốc lộ, mà tình trạng này còn xảy ra thường xuyên tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và cả đường nông thôn. Do phần lớn đường nông thôn đã được nâng cấp, mở rộng thông thoáng, trong khi đó lưu lượng xe cộ khá ít nên mọi người thường có tâm lý chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, nguy hiểm hơn khi vào ban đêm đường sá không có đèn chiếu sáng, tầm quan sát bị hạn chế nên rất dễ xảy ra TNGT.
Với quyết tâm kéo giảm TNGT đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ngày 16-4-2017, Giám đốc Công an tỉnh đã phát lệnh ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp, huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị an toàn giao thông triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm kiềm chế và kéo giảm TNGT, hạn chế thấp nhất số vụ TNGT gây hậu quả chết người, đảm bảo giao thông thông suốt thời điểm trước, trong và sau đợt nghỉ lễ.
An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Vì vậy để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm của lực lượng công an, thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông ngay tại cơ sở, trong đó cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân. Điều quan trọng nhất là mỗi người khi tham gia giao thông phải nêu cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông để tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân và những người khác, có như vậy TNGT mới có thể được kéo giảm.